Ưu khuyết điểm của các sơ đồ chiến thuật vĩ đại

Ngày đăng Th10 31 2015 - 10:57sáng

Sơ đồ chiến thuật là thứ luôn thay đổi theo dòng chảy của bóng đá. Chẳng có sơ đồ nào là hoàn hảo, mà giống như thuyết ngũ hành, chiến thuật nào cũng có khắc tinh của nó.

Ưu khuyết điểm của các sơ đồ chiến thuật vĩ đại

Câu chuyện chiến thuật ngày càng phức tạp trong bóng đá hiện đại

Sơ đồ 4-4-2

Một trong những sơ đồ cổ điển nhất vẫn còn tồn tại và phổ biến tới ngày nay. Dù 4-4-2 gắn liền với các đội bóng Anh, nhưng thực ra nó được sử dụng ở rất nhiều quốc gia bởi tính cân bằng tương đối của nó.

Điểm mạnh
Chơi bóng với 2 tiền đạo giúp tuyến tiền vệ và hậu vệ được giảm tải nhiệm vụ hỗ trợ tấn công. Thường thì những tiền đạo trong sơ đồ 4-4-2 phải có khả năng “tự làm, tự ăn”, tức là tự mình tạo cơ hội và ghi bàn hoặc bổ sung lẫn nhau để hoàn thiện hàng công. Một trong hai tiền đạo nên có kỹ năng không chiến tốt để tận dụng các đường tạt bóng.

Với hai tiền vệ cánh chơi rộng và hai hậu vệ biên, sơ đồ 4-4-2 cho phép những quả tạt hoặc căng ngang vào vòng cấm xuất hiện thường xuyên. Cự li đội hình hợp lý cũng giúp cho 4-4-2 dễ kéo dãn các tuyến của đối phương nếu di chuyển phù hợp.

Nhờ cấu trúc rõ ràng và dễ vận hành, rất nhiều đội bóng ưu tiên 4-4-2, đặc biệt là những đội phải chịu sức ép hay cần lùi sâu phòng ngự.

Điểm yếu
Dễ bị bắt bài và thiếu linh hoạt là 2 vấn đề lớn của 4-4-2. Ngoài ra, các vị trí tiền vệ phải chịu áp lực rất lớn trong cả nhiệm vụ tấn công lẫn phòng ngự. Khi các tiền vệ cánh chơi thiếu kỉ luật phòng ngự, đó sẽ là vấn đề thực sự với các HLV. Bên cạnh đó, những vị trí tiền vệ trung tâm khó có thể đảm nhiệm tốt cả 2 vai trò đánh chặn từ xa và kiểm soát thế trận.

Chưa kể, chính hai hành lang cánh có thể trở thành “gót Achilles” để đối phương khoét vào, đặc biệt với các sơ đồ sử dụng những cầu thủ đá cánh đi bóng vào trung lộ tận dụng khoảng trống giữa trung vệ và hậu vệ biên như 4-3-3 và 4-2-3-1.

Những đội sử dụng: Atletico Madrid, Leicester City, Borussia Moenchengladbach, AC Milan (giai đoạn 1987-1991).

Sơ đồ khắc chế
Hiện nay 4-4-2 không còn phổ biến nữa, bởi nó lép vế so với đa số các sơ đồ chiến thuật khác. Tuy nhiên, nếu có được 2 tiền đạo biết hoạt động độc lập và chịu khó pressing liên tục, 4-4-2 cũng có thể gây nên áp lực cho những hàng thủ 3 hoặc thậm chí 4 người.

Sơ đồ 4-3-3

Điểm mạnh
Với 2 cầu thủ tấn công chơi rộng biên, những đội bóng sử dụng 4-3-3 sẽ dễ dàng khai thác khoảng trống các hậu vệ cánh đối phương để lại sau khi dâng cao. Như vậy, việc bố trí 4-3-3 sẽ hạn chế tối đa khả năng hỗ trợ tấn công của các hậu vệ biên đối thủ.

Chơi với 3 tiền vệ ở giữa sân trong đó 1 người làm nhiệm vụ phòng ngự và 2 người kia đóng vai trò con thoi sẽ giúp kiểm soát thế trận tốt hơn khi gặp những đội chỉ chơi với 2 tiền vệ trung tâm. Bộ ba này cũng sẽ cho phép các hậu vệ biên dâng cao thường xuyên mà vẫn đảm bảo được bọc lót phía sau lưng.

4-3-3 có thể dễ dàng chuyển đổi thành sơ đồ 4-1-4-1 với tư tưởng phòng ngự nhiều hơn nếu như đội bóng phải chịu áp lực quá lớn.

Điểm yếu
Để khai thác tối đa hiệu quả của 4-3-3, đội bóng cần sở hữu những cá nhân chơi đầu óc, cảm giác vị trí tốt và chịu khó hỗ trợ đồng đội. Ngoài ra là một tiền đạo giữa và một tiền vệ phòng ngự cực kì xuất chúng. Chỉ cần 1 trong 2 vị trí này gặp vấn đề, toàn bộ hệ thống có nguy cơ sụp đổ.

Những đội sử dụng: AS Roma, Barcelona, Celta Vigo, Chelsea (2004-2006)

Sơ đồ khắc chế
Với chỉ 2 tiền vệ trung tâm, 4-4-2 sẽ dễ dàng bị lép vế trước sơ đồ 4-3-3. Ngoài ra, những tiền đạo cánh của sơ đồ 3 tiền đạo cũng sẽ khai thác thường xuyên những tình huống dâng cao của các hậu vệ biên.

Sơ đồ 4-2-3-1

Điểm mạnh
Chuyền bóng tam giác luôn hiệu quả hơn chuyền theo đường thẳng, và không sơ đồ nào phù hợp với những đường chuyền tam giác hơn là 4-2-3-1, ở đó tâm điểm là sự phối hợp chéo giữa hai vị trí tiền vệ trung tâm và 3 tiền vệ tấn công phía trên.

4-2-3-1 rất khó bị đối phương lấn át về quân số ở giữa sân bởi sự cơ động của các vị trí và cự li đội hình hoàn hảo. Nó cũng dễ dàng chuyển hóa từ phòng ngự sang tấn công và ngược lại. Chưa hết, số cầu thủ tham gia tấn công lớn cho phép một người được quyền lùi sâu nhằm tránh những đợt phản công nhanh của đối phương.

Cuối cùng, với rất nhiều cầu thủ hỗ trợ phía sau, tiền đạo cắm có vô số phương án cũng như cơ hội để ghi bàn thắng.

Điểm yếu
Sơ đồ này đòi hỏi thể lực của các cầu thủ tấn công phải rất bền bỉ, các tiền vệ công hay thậm chí tiền đạo phải lùi sâu nhận bóng và hoạt động với cường độ cao mới mong làm xáo trộn được tuyến giữa và hàng thủ đối phương.

Ngoài ra, nhiệm vụ của hai cầu thủ tấn công biên là thường xuyên lui về hỗ trợ phòng ngự. Điều này khiến không ít ngôi sao cảm thấy khó chịu, điển hình là mối quan hệ giữa Jose Mourinho và Cristiano Ronaldo ở Real Madrid trước đây. Ronaldo không muốn bị phân tâm vào trách nhiệm phòng thủ, trong khi Mourinho luôn đòi hỏi tiền vệ biên phải tham gia phòng ngự.

Những đội sử dụng: M.U, PSV Eindhoven, Real Madrid, Chelsea, Valencia (2002-2004)

Sơ đồ khắc chế
Những đường chuyền tam giác đầy linh hoạt và phức tạp sẽ là cơn ác mộng với sự cứng nhắc một cách đơn giản của 4-4-2. Mặt khác, tuyến giữa dàn hàng ngang của 4-4-2 khiến cho nó khó đối phó với tuyến giữa 5 người được chia thành 2 lớp của 4-2-3-1.

Nguồn: ole.vn